HDD và SSD, trên thực tế thì cái nào bền hơn?

SSD có thực sự bền hơn HDD hay không, chủ đề này tuy không phải mới nhưng cũng chưa bao giờ lỗi thời. Có người nói HDD kém bền hơn do các bộ phận chuyển động của nó bắt buộc phải hao mòn theo thời gian. Lại có người nói SSD có độ bền bị giới hạn đọc ghi, vốn không phải là vấn đề với HDD.
Cuộc tranh luận đó đã diễn ra quá lâu rồi, nó nên được (tạm) chấm dứt sau bài viết này ít nhất là với những ai đã đọc (trước khi nó lại bị khơi lên bởi mấy thanh niên thích tranh luận -_-).

Bài viết này sẽ tổng hợp cho các bạn những kinh nghiệm sử dụng thực tế cũng như những thống kê chi tiết để bạn có được một cái nhìn tổng quan về việc liệu một chiếc ổ cứng có thể tồn tại trong bao lâu dưới từng điều kiện khác nhau. Chúng ta sẽ bắt đầu từ cái cơ bản nhất, đó là điều kiện sử dụng bình thường.

Độ bền của SSD và HDD trong điều kiện bình thường

Chấp nhận thực tế đi anh chị em của tôi ạ, ổ cứng quái nào rồi cũng sẽ đến lúc tự nhiên nó lăn đùng ra chết thôi. Vấn đề ở đây không phải là nó có chết hay không mà là nó sẽ chết khi nào và chết như thế nào. Ví dụ bạn xài cái ổ cứng được 10 năm thì nó cũng chỉ chứng minh rằng bạn hên thôi chứ chẳng có cái ổ cứng bình thường nào được thiết kế để trâu bò như vậy cả. Vì không thể biết chắc chắn được rằng khi nào cái ổ cứng của bạn khi nào sẽ toang nên tốt nhất là bạn nên thay thế nó khi “ngửi” thấy được những dấu hiệu đầu tiên.
Tùy theo loại ổ cứng bạn đang dùng là HDD hay SSD mà mà chúng ta sẽ có những số liệu thống kê về tuổi thọ tương ứng:

HDD

Trên thực tế thì HDD thường sẽ bị hỏng sớm hơn SSD do chúng có những bộ phận chuyển động. Tuổi thọ của SSD thì phụ thuộc vào rất nhiều thứ như thương hiệu, phân khúc, kích cỡ… có nhiều có ít nhưng nhìn chung chúng sẽ sống được trung bình khoảng 4 năm.

Dịch vụ sao lưu trực tuyến Backblaze đã có con số thông kê chính xác cho cơ sở dữ liệu của họ và rút ra thống kê rằng 80% số HDD của họ hoạt động bình thường sau 4 năm. Tất nhiên là điều đó cũng đồng nghĩa việc 20% còn lại đã toang trước khi cái thời hạn 4 năm đó đến. Và hầu hết trong số chúng đã hỏng trong năm thứ 3. Backblaze cũng rút ra được kết luận rằng đám HDD của Seagate thường dễ chết hơn so với mấy con tương tự của Western Digital và Hitachi.
Tóm lại là hãy luôn theo dõi tình trạng ổ cứng của bạn và luôn sẵn sàng thay mới chúng trong 2 đến 3 năm. Nếu nó sống lâu hơn được thì tốt nhưng dù sao thì chuẩn bị vẫn hơn.

SSD

Bạn có thể nghe nhiều người nói rằng hãy cẩn thận khi sử dụng SSD vì chúng có số lượng dữ liệu đọc ghi giới hạn. Trên thực tế thì đám này trâu bò hơn HDD rất nhiều trong điều kiện sử dụng bình thường.
TechReport đã có một bài test khá nổi tiếng và cho chúng ta thấy rằng nỗi sợ về việc một ngày nào đó SSD sẽ hết dung lượng đã bị thổi phồng quá mức. Thậm chí đa số các ổ SSD hiện nay có thể sống tốt qua hơn 700TB dữ liệu. Các ổ cứng này thường đi kèm với chế độ bảo hành từ 3 đến 5 năm và các nhà sản xuất đảm bảo cho bạn ghi từ 20 đến 40GB dữ liệu mỗi ngày.


Cứ cho là bạn ghi đến 40GB dữ liệu mỗi ngày đi, vậy thì bạn sẽ mất đến 17500 ngày, xấp xỉ 50 năm để ghi được đến con số 700TB. Điều đó không có nghĩa là bạn nên ngược đãi ổ cứng của mình nhưng nếu bạn còn lo sợ về việc hết dung lượng thì cứ mặc xác nó đi.

Tất nhiên là những con số trên chỉ là số trung bình, trải nghiệm của mỗi người sẽ mỗi khác nhưng nhìn chung thì bạn vẫn nên dùng thiết bị của các hãng có danh tiếng một chút. Và quan trọng hơn nữa là đừng quên sao lưu dữ liệu của mình.
Tiếp theo, hãy nói đến việc bạn sử dụng ổ cứng trong điều kiện lưu trữ.

Độ bền của SSD và HDD trong điều kiện lưu trữ

Chúng ta sẽ đi xa hơn một chút, hãy nghĩ đến chuyện bạn cho dữ liệu vào một cái ổ cứng rồi ký gởi nó hoặc cho nó vào một cái hộp thời gian. Câu hỏi được đặt ra trong lúc này là: liệu bạn có thể giữ được dữ liệu bao lâu trước khi cải ổ cứng hỏng?
Một lần nữa, câu trả lời sẽ phụ thuộc nhiều vào việc nó là HDD hay SSD.

HDD

Bạn sẽ gần như chẳng cần phải lo về việc dữ liệu bị hỏng theo thời gian nếu lưu trữ bằng HDD. Nếu ổ cứng được cách li với môi trường bên ngoài thì vấn đề duy nhất bạn cần phải lo chính là việc các vòng bi và khớp chuyển động bị khô dầu mà thôi. Nếu ổ cứng của bạn không được cách ly với môi trường thì… hãy cách li nó. Nếu bạn chỉ đơn giản là ném nó vào tủ hay bỏ vào một cái hộp thì chẳng có gì chắc chắn rằng cái ổ cứng của bạn sẽ hoạt động được bình thường sau vài năm đâu.

SSD

Sử dụng SSD cho mục đích lưu trữ thì khá là khó để ước lượng được chính xác. Nó vẫn còn khá mới nếu so với phương pháp dùng đĩa từ (trong HDD) để lưu trữ dữ liệu (mà nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng cho dữ liệu của họ). Vì thế không có nhiều nghiên cứu về việc SSD có thể bảo vệ dữ liệu lâu dài như HDD trong điều kiện lưu trữ hay là không. Về mặt lý thuyết thì nếu bạn cách ly ổ cứng khỏi các điều kiện môi trường thì điều duy nhất khiến bạn cần quan tâm là sự xuống cấp của các NAND nhớ trong ổ SSD. Tuy nhiên, đó là một quá trình mất nhiều thập kỷ hoặc có thể còn lâu hơn nữa.

Tóm lại, nếu bạn giữ một chiếc ổ cứng bất kể là SSD hay HDD trong điều kiện lý tưởng thì sẽ phải mất rất lâu trước khi bạn phải lo lắng về việc dữ liệu bị xuống cấp. Bạn sẽ có thể lưu trữ chúng trong vài thập kỷ hoặc có thể lâu hơn rồi sau đó bật ổ cứng lên, và nó sẽ vẫn chạy tốt như cái lần cuối cùng nó hoạt động.

Kết bài, chúng ta hãy trở lại với câu hỏi trên tiêu đề, nếu bạn đang thắc mắc rằng SSD có thực sự bền hơn HDD hay không thì câu trả lời là có, nó bền hơn. Có thể dung lượng ghi của SSD là có giới hạn nhưng chắc chắn nó là một mức mà người bình thường chắc chắn chẳng bao giờ cần quan tâm. Còn trong trường hợp bạn muốn dùng SSD hoặc HDD để lưu dữ liệu trong thời gian dài thì việc cái nào bền hơn cũng chỉ nằm ở cách bảo quản của bạn mà thôi.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét